Nguồn gốc và 10 phong tục Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết Âm Lịch, là một dịp lễ lớn của người Việt Nam. Dù là người Việt sống ở Việt Nam hay nước ngoài thì ai cũng biết đến Tết, nhưng không phải tất cả mọi người đều biết đến nguồn gốc và phong tục Tết Nguyên Đán. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nguồn gốc của Tết cùng một số sự kiện liên quan đến Tết nhé!

tet-nguyen-dan

Tết Nguyên Đán được tổ chức khi nào?

Tết được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 theo âm lịch trên đất nước Việt Nam và ở một vài nước khác có cộng đồng người Việt sinh sống. Trước ngày Tết, thường có những ngày khác để sửa soạn như Tết Táo Quân (23 tháng chạp âm lịch) và Tất Niên (29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch). Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, mừng tuổi và thờ cùng tổ tiên…

“Tết Nguyên Đán” có nghĩa là gì?

Nguyên nghĩa của Tết chính là “tiết”. Văn hóa Việt – thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước – do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc “giao thời”) trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán.

Nguyên có nghĩa là Khởi Đầu
Đán : có nghĩa là Trọn Vẹn

Nguyên Đán: có nghĩa là sự Khởi Đầu Trọn Vẹn.

Tết Nguyên Đán là lễ tết đầu tiên của một năm. Tết được bắt đầu từ lúc giao thừa cùng với lễ trừ tịch. Theo chữ Hán Nôm, Nguyên có nghĩa là bắt đầu, Đán là buổi sớm mai Tết Nguyên Đán tức là tết bắt đầu đầu năm, mở đầu cho mọi công ăn việc làm với tất cả mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang.
Năm mới đến, những sự may mắn mới đến, và bao nhiêu điều lo âu phiền toái của năm cũ đều theo năm cũ mà đi hết.

Nguồn gốc Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán có nguồn gốc như thế nào đến nay vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Hầu hết các thông tin đều cho rằng lịch sử Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Trung Quốc, du nhập vào nước ta trong khoảng thời gian 1000 năm Bắc thuộc.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng đã tìm ra một số bằng chứng cho thấy tết Nguyên Đán từ lâu vốn đã là tết của người Việt cổ, chứ không phải là nguồn gốc từ Trung Quốc. Bằng chứng thứ nhất chính là sự tích “Bánh chưng bánh dày”. Nội dung truyện đã cho thấy phong tục làm bánh chưng bánh dày và “Tết” đã xuất hiện từ thời vua Hùng, tức là trước cả thời kì 1000 năm Bắc thuộc.

Bằng chứng thứ hai là trong cuốn “Kinh Lễ” của Khổng Tử. Trong đó ông đã viết: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó.” (Người Man – Nam Man, nghĩa là “người man rợ phía Nam”, ý chỉ các bộ lạc dân tộc ngoài Trung Nguyên cổ đại ở phía nam Trung Quốc.)

Ngoài ra, sách Giao Chỉ Chí cũng có đoạn viết “Bọn người Giao Quận thường tập trung thành từng phường hội nhảy múa ca hát, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia vào lễ hội này.” (Giao Quận – Quận Giao Chỉ, là tên gọi do Trung Quốc đặt cho lãnh thổ Việt Nam trong thời kì Bắc thuộc)

Về tên gọi, Tết Âm lịch nước ta được gọi là Tết Nguyên Đán trong khi Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc là ngày 1 tháng 1 dương lịch, còn Tết Âm lịch họ gọi là Xuân Tiết. Thêm vào đó, thời gian nghỉ của hai nước cũng khác nhau. Nước ta bắt đầu nghỉ tết từ ngày tiễn ông Công ông Táo 23 tháng Chạp đến mùng 7 tháng Giêng âm lịch. Trong khi, Trung Quốc vui tết từ mùng 8 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng âm lịch.

Như vậy,  Tết Nguyên Đán là tết cổ truyền của dân tộc Việt ta. Và trong thời kì Bắc thuộc, dịp lễ này đã chịu ảnh hưởng không nhỏ từ anh bạn láng giếng dẫn đến sự giống nhau ở một số phong tục, và dẫn đến sự nhầm lẫn về nguồn gốc của nó.

Ý nghĩa của Tết Nguyên Đán

Ngày Tết là dịp để mọi người hân hoan chúc cho nhau những điều tốt lành nhất cho năm mới và bỏ qua hết những xích mích đã làm mất lòng nhau trong năm cũ. Ai ai cũng đều tay bắt mặt mừng và dành nhiều thì giờ đến thăm họ hàng, bạn bè, và bà con lối xóm. Ngày Tết còn là ngày khởi đầu cho một hy vọng mới, một cố gắng mới, và một cuộc đời mới trong tương lai.

Ngày Tết cũng là ngày đoàn tụ. Người đi làm ăn xa xôi đến mấy cũng cố trở về quê, tức là nơi mình được sinh ra hay quê quán của cha mẹ, để ăn Tết và cúng tổ tiên cùng mừng tuổi ông bà, cha mẹ, họ hàng, và bà con lối xóm. Mọi người đều nghỉ ngơi và ăn chơi cho bỏ những ngày làm lụng vất vả.

Người Việt ta có thói quen là quanh năm chăm chỉ làm ăn. Suốt cả năm ở nơi thành thị, đa số những người buôn bán và các công nhân viên ở xưởng máy không có thì giờ nghỉ ngơi. Ở nơi nông thôn đồng ruộng cũng vậy, quanh năm người nông dân cũng không có ngày nào là ngày Chủ Nhật nên mọi người đều mệt mỏi và không có thì giờ để đi thăm họ hàng bà con cùng bằng hữu ở xa được. Chính vì thế mà người Việt ta đã nhờ những ngày Tết để có dịp nghỉ xả hơi và thăm hỏi nhau hầu xiết chặt mối dây tình cảm giữa gia đình, bạn bè, và hàng xóm.

Tết Nguyên Đán, còn gọi Tết Ta, Tết Âm Lịch, Tết Cổ Truyền, năm mới hay chỉ đơn giản Tết, là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hoá của người Việt Nam và một số các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc khác. Ý nghĩa thiêng liêng nhất của Tết ở chỗ nó là dịp để người Việt nhớ về cội nguồn, ông bà tổ tiên.

Ngày tết đem lại một sự khởi đầu mới, rũ bỏ những gì không hay đẹp của năm qua nên mọi người đều cố gắng vui vẻ độ lượng với nhau, bỏ qua hiềm khích cũ. Lòng người nào cũng tràn đầy hoài bão về hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới.

Phong tục ngày Tết

Cúng ông Công, ông Táo

Theo truyền thống của người Việt, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, các gia đình sẽ làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Ông Công, ông Táo là người cai quản những sự việc xảy ra trong gia đình. Cho đến ngày 23 tháng Chạp, ông Táo sẽ cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc lớn nhỏ trong nhà gia chủ với Ngọc Hoàng. Nhờ đó, Ngọc Hoàng sẽ có những định đoạt, có thể khen thưởng hoặc phạt gia chủ. Người dân thường làm lễ long trọng tiễn ông Táo để các ông “nói tốt” cho nhà mình và ban tài lộc, bình an trong năm mới.

Do đó, vào ngày này, các gia đình sẽ sắm sửa nhang đèn, giấy tiền, hoa tươi, mâm ngũ quả, mâm lễ mặn, bộ mũ áo quan, … Và nhất định không thể thiếu cá chép vàng. Sau khi cúng xong, gia chủ sẽ phóng sinh cá chép, với hy vọng chú cá đó sẽ đưa tiễn ông Táo lên trời an toàn. Đồng thời, hành động này cũng mang ý nghĩa về sự phóng sinh, làm việc thiện trong đầu xuân năm mới.

Gói bánh chưng, bánh tét

Bánh chưng, bánh tét là loại bánh truyền thống của dân tộc ta, là món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết. Đây cũng là một món quà cực ý nghĩa dành cho người thân và bạn bè, với ý nghĩa về sự no đủ và sung túc. Chính vì thế, những ngày trước Tết, nhiều gia đình, dòng họ, thôn xóm thường tụ tập cùng nhau trò chuyện, gói bánh và luộc bánh thâu đêm.

Lau dọn nhà cửa

Theo phong tục ngày tết, mọi gia đình sẽ tiến hành lau dọn nhà cửa. Đây như là một cách để sắp xếp lại những điều chưa tốt, những gì chưa thuận lợi của năm cũ. Từ đó, tạo nên một diện mạo mới mẻ, sẵn sàng chào đón những điều an lành, may mắn và tốt đẹp của năm mới.

Mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả cũng là một phong tục ngày tết đặc biệt, mang nhiều ý nghĩa. Mỗi vùng miền sẽ có những cách bày mâm ngũ quả khác nhau, sử dụng các loại trái cây khác nhau.

Ví dụ như ở miền Bắc, mâm ngũ quả thường bao gồm các loại quả tượng trưng cho năm yếu tố ngũ hành: chuối, bưởi, cam/quýt,…. Ở miền Trung, người dân thường sử dụng những loại quả như thanh long, chuối, dưa hấu,… Còn ở miền Nam, mâm ngũ quả thường bao gồm: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung với ý nghĩa “Cầu sung vừa đủ xài”.

Vậy tại sao lại có “mâm ngũ quả”? Có rất nhiều ý kiến xung quanh điều này.

Theo thuyết duy vật cổ đại, tất cả mọi vật đều được tạo nên bởi 5 yếu tố: nước, lửa, đất, mộc và kim; theo đó mâm ngũ quả thể hiện mong muốn âm dương hoà hợp. Còn theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, con số 5 là con số chỉ trung tâm, chỉ sự sống; “quả” là biểu tượng của sự sung túc, cho ý nguyện sinh sôi nảy nở và duy trì nòi giống.

Ngoài ra, theo một ý nghĩa khác, 5 loại quả là tượng trưng cho 5 ước nguyện của gia chủ: Phúc (may mắn), Quý (giàu có, sung túc), Thọ (sống lâu), Khang (khoẻ mạnh), Ninh (bình yêu).

Như vậy, dù được hiểu theo nghĩa nào, thì mâm ngũ quả vẫn là một trong những phong tục ngày Tết không thể thiếu, mang ý nghĩa về những mong cầu điều tốt đẹp trong năm mới.

Thăm mộ tổ tiên

Trong dịp Tết Nguyên Đán, con cháu sẽ cùng nhau đi thăm viếng, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên. Đồng thời, con cháu cũng sẽ mời ông bà tổ tiên cùng về ăn Tết, chung vui với gia đình. Đây là một phong tục ngày tết thể hiện đạo hiếu, lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và thế hệ đi trước của dân tộc ta.

Cúng tất niên

Cúng Tất niên là một trong những nghi lễ vô cùng quan trọng trong dịp Tết Cổ truyền của người Việt. Trong ngày 30 – ngày cuối cùng của năm, các gia đình sẽ làm mâm cỗ tươm tất để thắp hương mời thần linh, gia tiền về ăn Tết. Đồng thời, đây cũng là lễ để tiễn năm cũ và chuẩn bị chào đón năm mới với những điều tốt đẹp hơn.

Đón giao thừa

Giao thừa là khoảng khắc được chờ mong nhất trong dịp Tết. Đây là thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, cũng là khoảng khắc đất trời giao thoa, thiên nhiên và con người trở nên gần gũi nhất. Trong đêm giao thừa thường diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như ca múa nhạc, bắn pháo hoa, đi chùa hái lộc, lì xì, lời chúc, xông đất, …

Đi chùa hái lộc đầu năm

Đạo Phật là tôn giáo phổ biến nhất tại Việt Nam. Do đó việc đi chùa hái lộc là phong tục phổ biến với nhiều người, dù có theo đạo Phật hay không. Đây là một hoạt động nhầm cầu xin một năm mới đầy may mắn, phúc lộc và bình an. Thêm vào đó, việc đi chùa hái lộc giúp bày tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với đức Phật và tổ tiên.

Xông đất

Sau đêm giao thừa, ai là người đầu tiên bước vào nhà cùng lời chúc mừng năm mới thì được gọi là người xông đất. Theo phong tục ngày tết của quan niệm của người Việt, người xông đất nếu hợp sẽ là người mang lại nhiều tài lộc và may mắn cho gia chủ. Do đó, các gia đình thường chọn những người hợp tuổi, hiền lành, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt đến xông đất nhà mình.

Chúc Tết mừng tuổi

Chúc Tết là gửi những lời chúc tới người thân, đặc biệt là các đấng sinh thành, thể hiện truyền thống đạo hiếu của dân tộc. Cùng với đó, mọi người cũng mừng tuổi trẻ em, thiếu nhi bằng những phong bao lì xì đỏ. Phong tục chúc Tết, mừng tuổi là một cách thể hiện truyền thống “kính trên nhường dưới” của dân tộc, thể hiện sự kính trọng với thế hệ trước và cầu mong sự an lành, khoẻ mạnh và phát triển của thế hệ sau.

Mồng 1 Tết Nguyên Đán 2022 là ngày 1 tháng 2 dương lịch.Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn sẽ hiểu rõ hơn về Tết Cổ truyền của dân tộc. Bạn sẽ thêm yêu và quý trọng ngày Tết và từ đó chuẩn bị cho một dịp Tết Nguyên Đán 2022 thật ý nghĩa và hạnh phúc bên gia đình, người thân và bạn bè.

Các dịp lễ đặc biệt khác!

Spread the love